TỔNG QUAN VỀ ĐẤT NƯỚC CANADA

1.TÊN GỌI ĐẤT NƯỚC CANADA

Tên gọi Canada bắt nguồn từ Kanata trong ngôn ngữ của người Iroquois Saint Lawrence, nghĩa là “làng” hay “khu định cư”. Năm 1535, các cư dân bản địa sử dụng từ này để chỉ đường cho nhà thám hiểm người Pháp Jacques Cartier đến làng Stadacona. Cartier sau đó sử dụng từ Canada để nói đến không chỉ riêng ngôi làng, mà là toàn bộ khu vực lệ thuộc vào Donnacona (tù trưởng tại Stadacona). Đến khoảng năm 1545, các sách và bản đồ tại châu Âu bắt đầu gọi khu vực này là Canada.

Đến khi liên bang hóa vào năm 1867, Dominion of Canada (Lãnh thổ tự trị Canada) được chọn làm tên gọi pháp lý của quốc gia mới. Tuy nhiên, khi Canada khẳng định quyền tự chủ của mình khỏi Anh Quốc, chính phủ liên bang ngày càng chỉ sử dụng Canada trong các tài liệu nhà nước và hiệp định. Sự thay đổi này được phản ánh thông qua việc đổi tên ngày lễ quốc gia từ Dominion Day (Ngày Lãnh thổ tự trị) sang Canada Day (Ngày Canada) vào năm 1982.

2.NHỮNG CON SỐ THỐNG KÊ ẤN TƯỢNG

Năm 2021, Canada là quốc gia tốt nhất thế giới (hạng #1), tăng một hạng so với năm 2020.

Về chất lượng cuộc sống, Canada nhận được điểm 100/100 trọn vẹn và đứng đầu thế giới về hạng mục này. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục và hệ thống y tế cũng đạt điểm gần như tuyệt đối.

Canada cũng được xếp hạng #1 về Quyền Công Dân, đạt 100/100 điểm khi được đánh giá về các hạng mục được tin cậy, tiến bộ, bình đẳng giới, tự do tôn giáo, chăm sóc nhân quyền và tôn trọng quyền sở hữu.

3.ĐỊA LÝ – KHÍ HẬU CANADA

Canada là quốc gia có diện tích lớn thứ hai trên thế giới với lãnh thổ trải dài từ phía đông giáp với Đại Tây Dương đến phía tây giáp với Thái Bình Dương, phía bắc giáp Bắc Băng Dương, và phía nam giáp với lục địa Hoa Kỳ bằng một đường biên giới chung dài nhất thế giới.

Canada có địa hình đa dạng từ đồng bằng đến rừng rậm, đồi núi. Đồi núi và núi lửa tập trung chủ yếu ở phía tây và vùng phía bắc. Phía nam địa hình tương đối thấp và có nhiều sông hồ.

Canada có khí hậu đa dạng, từ khí hậu ôn đới trên bờ biển phía tây đến tuyết phủ hầu hết các tháng trong năm ở vùng cực. Các khu vực không giáp biển thường nằm trong vùng khí hậu lục địa có mùa hè ấm áp, ngoại trừ phía tây nam tỉnh bang Ontario nằm trong vùng khí hậu lục địa có mùa hè nóng ẩm. Phía tây có khí hậu bán khô hạn, vùng đảo tỉnh bang British Columbia có thể được xếp vào kiểu khí hậu Địa Trung Hải có mùa hè mát mẻ.

Khí hậu tại Canada cũng có 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Mùa Bắt đầu Nhiệt độ trung bình Thời tiết chung
Mùa Xuân Tháng 3 12oC Là mùa mưa ở phần lớn các khu vực của Canada
Mùa Hạ Giữa tháng 6 20oC Là mùa có thời tiết ấm áp nhất
Mùa Thu Tháng 9 10oC- 12oC Khí hậu mát mẻ và thường được gọi là mùa lá rụng. Ở miền Bắc và miền núi, tuyết có thể rơi vào tháng 10
Mùa Đông Tháng 11 Thường dưới 0oC Ở một số nới nhiệt độ có thể xuông tới -35oC. Tuyết thường rơi từ tháng mười hai đến giữa tháng ba

4.CHÍNH TRỊ

Canada có một hệ thống nghị viện trong khuôn khổ chế độ quân chủ lập hiến, đứng đầu (quân chủ) là nữ hoàng Elizabeth II (Nữ hoàng Anh), đại diện cho Nữ hoàng là toàn quyền Canada (hiện là bà Julie Payette). Trên thực tế, các nhân vật quân chủ và phó quân chủ bị hạn chế trong việc tham gia trực tiếp vào việc điều hành công việc quốc gia, họ sử dụng các quyền hành pháp theo chỉ dẫn của Nội các, đây là một hội đồng gồm các Bộ trưởng của quốc gia chịu trách nhiệm trước Nghị viện, do Thủ tướng Canada lựa chọn và đứng đầu. Thủ Tướng đương nhiệm của Canada là ông Justin Trudeau.

Canada là một quốc gia nằm trong Khối Thịnh Vượng chung, một thành viên của NATO và G7 (Bảy quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới). Canada có chính sách đối ngoại độc lập và là quốc gia có nền chính trị được đánh giá là ổn định nhất thế giới. Ở Canada ít khi xảy ra xung đột sắc tộc, xung khắc quyền lợi nội bộ và các nước trên thế giới.

5.NHÂN KHẨU HỌC

Canada được phân chia khu vực hành chính gồm 10 tỉnh bang: Quebec, Ontario, British Columbia, Alberta, Nova Scotia, Manitoba, Saskatchewan, New Brunswick, Newfoundland and Labrador, Prince Edward Island và 3 vùng lãnh Northwest Territories, Yukon, Nunavut.

Ngôn ngữ chính thức của Canada gồm tiếng Anh và tiếng Pháp. Gần 60% dân số Canada có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh, 22% là tiếng Pháp. Đại đa số người nói tiếng Pháp sống tại tỉnh bang Quebec, Ontario, New Brunswick  Manitoba. New Brunswick (Nouveau Brunswick) là tỉnh bang song ngữ chính thức duy nhất ở Canada.

Các tỉnh bang có quyền tự trị lớn hơn các vùng lãnh thổ. Các vùng lãnh thổ nhận ủy nhiệm và quyền lực từ chính quyền liên bang. Ngược lại, chính quyền tỉnh bang nhận ủy nhiệm trực tiếp từ hiến pháp Canada và tự chịu trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh bang.

Canada là quốc gia đa tôn giáo, bao gồm nhiều tín ngưỡng và phong tục. Hơn 80% dân số Canada theo đạo Cơ-đốc, trong đó khoảng 46% dân số theo đạo Thiên Chúa và 36% theo đạo Tin Lành. Các tôn giáo khác bao gồm đạo Do Thái, đạo Hồi, đạo Hindu, đạo Sikh và đạo Phật. Khoảng 12,5% dân số không theo tôn giáo nào, chiếm tỷ lệ cao hơn tất cả các giáo phái, trừ Thiên Chúa Giáo La Mã.

Theo Điều tra dân số Canada năm 2016, nguồn gốc dân tộc tự báo cáo lớn nhất của đất nước là người Canada chiếm 32% dân số, tiếp theo là Anh chiếm 18.3%, Scotland 13,9%, Pháp 13,6%, Ailen 13,4%, Đức 9,6%, Trung Quốc 5,1%, Ý 4,6%, First Nations 4,4%, Ấn Độ 4,0% và Ukraina 3,9%. Dân số Bản địa ở Canada đang tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ quốc gia và 4% dân số Canada khẳng định danh tính Bản địa vào năm 2006. Trong đó có 22.3% dân số khác thuộc về một thiểu số rõ ràng không phải là Bản địa.  Năm 2016, các nhóm thiểu số có thể nhìn thấy lớn nhất là Nam Á chiếm 5.6%, Trung Quốc chiếm 5.1% và người Da đen chiếm 3.5%

6.KINH TẾ CANADA

Canada là 1 trong 10 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với dân số ít, Canada có thể được xem là một trong các quốc gia giàu nhất thế giới.  Canada nằm trong nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất toàn cầu (G7) và là thành viên tổ chức Hợp tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD).

Canada có thế mạnh trong các ngành dịch vụ (chiếm 3/4 tỷ trọng nền kinh tế) và khai thác khoáng sản. Canada xếp thứ hạng cao trong danh sách các quốc gia có nền kinh tế tự do trên thế giới. Kinh tế Canada liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ về cả thể chế kinh tế lẫn mô hình sản xuất.

Canada là một trong những quốc gia thịnh vượng với thu nhập bình quân đầu người là 43,242 USD/người vào năm 2020. Tính đến năm 2022, Canada có nền kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới theo GDP danh nghĩa khoảng 2.221 nghìn tỷ đô la Mỹ. Canada là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và thuộc nhóm bảy quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) bao gồm các nước: Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Canada.

Một số ngành công nghiệp trọng điểm tại Canada

Ngành dịch vụ

Ngành dịch vụ ở Canada hoạt động trên quy mô lớn và đa diện, ngành này tạo ra việc làm cho khoảng 3/4 lực lượng lao động ở Canada và chiếm 70% GDP của nước này. Với gần 12% dân số Canada làm trong lĩnh vực bán lẻ, đây là ngành tạo ra nhiều việc làm nhất trong nước.

Xếp thứ hai trong ngành dịch vụ là loại hình kinh doanh bất động sản, dịch vụ tài chính và truyền thông. Các nhóm dịch vụ này đã có sự tăng trưởng đáng kể trong vài năm qua.

Giáo dục và y tế là hai trong số các ngành lớn nhất ở Canada nhưng chủ yếu chịu ảnh hưởng của chính phủ. Y tế, chăm sóc sức khỏe có dấu hiệu tăng trưởng trong thập kỷ qua và hiện là ngành dịch vụ lớn thứ ba trong cả nước.

Du lịch cũng được xếp hạng là một thành phần quan trọng của ngành dịch vụ Canada. Với nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng, Canada là một trong những nước thu hút được lượng lớn du khách quốc tế. Khách du lịch chi vài tỷ đô la mỗi năm cho các dịch vụ chỗ ở, phương tiện đi lại, ăn uống và mua sắm.

Ngành sản xuất chế tạo

Các ngành công nghiệp của Canada sản xuất thực phẩm, hóa chất, các sản phẩm kim loại chế tạo, máy móc, thiết bị giao thông vận tải và các sản phẩm khác. GDP cho ngành công nghiệp sử dụng khoảng 1,5 triệu người, tăng 8,1% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6 năm 2021, theo Chính phủ Canada.

Sản xuất ở Canada đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007–2008. Vùng trung tâm Canada là nơi đặt các nhà máy chi nhánh của tất cả các nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ và Nhật Bản trong đó có nhiều nhà máy sản xuất phụ tùng thuộc sở hữu của các công ty Canada như Magna International và Linamar, một số nhà máy lớn khác như Ballard Power Systems Inc- nhà sản xuất pin nhiên liệu hydro và NFI Group Inc- nhà sản xuất xe buýt vận tải hạng nặng.

Ngành công nghiệp khai thác

Ngành công nghiệp khai thác của Canada chủ yếu tham gia vào việc khai thác các khoáng sản tự nhiên, khai thác đá và khai thác dầu khí. Canada sở hữu một nguồn tài nguyên dầu khí lớn tập trung chủ yếu ở Alberta và các Lãnh thổ ở phía Bắc, ngoài ra còn có một lượng nhỏ ở các vùng lân cận British Columbia và Saskatchewan. Theo USGS, Mỏ dầu Athabasca mang lại cho Canada một trữ lượng dầu khí lớn thứ ba thế giới chỉ sau Ả Rập Xê-út và Venezuela.

Các loại hoạt động khai thác khác bao gồm khai thác than và một loạt các kim loại bao gồm vàng, bạc, đồng, niken, v.v… Khai thác đá, cát, sỏi, đất sét và gốm sứ cũng là một phần của ngành công nghiệp khai thác. Theo Chính phủ Canada, GDP cho ngành công nghiệp này sử dụng khoảng 190.000 người đã tăng 15,1% trong 12 tháng kết thúc năm 2021.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Canada

Tỷ lệ thất nghiệp ở Canada đã được đẩy xuống mức thấp nhất trong gần 50 năm qua. Sau khi dịch Covid đi qua, nền kinh tế đang có xu hướng phục hồi với nhiều cơ hội việc làm được tạo ra đặc biệt là 2 tỉnh bang đông dân nhất nước là Ontario và Quebec.

Kể từ tháng 9/2021, Canada đã có thêm 463.000 việc làm mới, trong khi dân số trong độ tuổi lao động chỉ tăng 263.000 người. Đây là một tin tốt cho những ai đang có nhu cầu tìm việc tại Canada. Đồng thời cũng là tin tốt cho những ai đã có việc làm vì nó cũng có khả năng mang lại mức thu nhập cao hơn. Nhu cầu ngày càng tăng đối với người lao động đã đẩy mức lương trung bình tăng 3,4% trong 12 tháng tính đến tháng 3/2022.

Tỷ lệ việc làm cho người nhập cư cũng tăng theo vào các tháng đầu năm nay, khi Chính phủ Canada muốn tiếp nhận 431.645 người mới nhập cư trong năm 2022 theo Kế hoạch Mức độ Nhập cư 2022-2024.

Các đối tác kinh tế

Quan hệ với Hoa Kỳ

Cho đến nay, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Canada. Vào tháng 7 năm 2021, Canada có thặng dư tổng thể $0,78 tỷ CAD ($0,61 USD) trong cán cân thương mại (BOT). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lên tới $53,7 tỷ CAD ($42,32 USD). Tổng xuất khẩu dịch vụ là $56,3 tỷ CAD trong khi nhập khẩu dịch vụ lên tới $53 tỷ CAD ($41,77 USD).

Vào tháng 5 năm 2021, xuất khẩu hàng hóa hàng đầu của Canada sang Mỹ là dầu thô, mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Canada từ Mỹ là ô tô, theo Observatory of Economic Complexity.

Quan hệ với Trung Quốc

Canada thâm hụt BOT lớn với Trung Quốc vào năm 2020. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lên tới $31,6 tỷ CAD ($23,6 tỷ USD) trong khi tổng hàng hóa nhập khẩu là $51,9 tỷ CAD ($38,7 tỷ USD). Tổng xuất khẩu dịch vụ năm 2019 là $6,1 tỷ CAD trong khi tổng dịch vụ nhập khẩu là $2,5 tỷ CAD, dẫn đến thặng dư thương mại dịch vụ với Trung Quốc, theo Thống kê Canada.

Hàng hóa xuất khẩu hàng đầu của Canada sang Trung Quốc năm 2020 là than đá. Hàng hóa nhập khẩu hàng đầu của họ từ Trung Quốc là máy tính.

Quan hệ với Vương quốc Anh

Canada có thặng dư BOT với Vương quốc Anh vào năm 2020. Tổng xuất khẩu hàng hóa là $14,9 tỷ CAD trong khi tổng hàng hóa nhập khẩu là $5,85 tỷ CAD, dẫn đến thặng dư thương mại hàng hóa của Canada với Vương quốc Anh. Tổng xuất khẩu dịch vụ lên tới $1,4 tỷ CAD trong khi tổng Dịch vụ nhập khẩu là $1,8 tỷ CAD, dẫn đến thâm hụt thương mại dịch vụ nhẹ với Vương quốc Anh, theo Thống kê Canada.

Hàng hóa xuất khẩu hàng đầu của Canada sang Anh vào năm 2020 là ngọc trai, đá quý, kim loại. Hàng hóa nhập khẩu hàng đầu của Canada từ Anh là máy móc, lò phản ứng hạt nhân và nồi hơi.

Nền kinh tế của Canada phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế với xuất – nhập khẩu hàng hóa và ngành dịch vụ chiếm khoảng một phần ba GDP. Trong số các nước đang phát triển, có những ngành quan trọng bất thường trong đó ngành lâm nghiệp và dầu khí là những thành phần nổi bật nhất. Ba đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Mỹ, Trung Quốc và Anh.

7.CHĂM SÓC SỨC KHỎE

Chăm sóc sức khỏe ở Canada được thực hiện thông qua hệ thống riêng của từng tỉnh bang và vùng lãnh thổ. Chương trình chăm sóc sức khỏe được tài trợ công khai, được gọi không chính thức là Medicare.

Các chương trình chăm sóc sức khỏe được quy định bởi Đạo luật Y tế Canada năm 1984. Dịch vụ y tế công được tài trợ thường được người Canada coi là giá trị cơ bản trong việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe quốc gia cho tất cả mọi người dù họ sống ở đâu trên đất nước.

Medicare cung cấp bảo hiểm khoảng 70% và 30% chi phí còn lại được thanh toán thông qua khu vực tư nhân. Ngoài ra, dịch vụ y tế tư nhân không được Medicare chi trả hoặc chỉ chi trả 1 phần thường là các dịch vụ y tế không thiết yếu như nha khoa, thẩm mỹ, các bệnh thị lực…

8. GIÁO DỤC

Các tỉnh bang và vùng lãnh thổ của Canada tự chịu trách nhiệm về hệ thống giáo dục của khu vực tài phán. Độ tuổi bắt buộc đến trường có phạm vi từ 5–7 đến 16–18 tuổi, tỷ lệ dân số biết chữ là 99%.

Năm 2011, 88% dân số có tuổi từ 25 – 64 có trình độ tương đương tốt nghiệp trung học, trong khi tỷ lệ chung của OECD là 74%. Năm 2002, 43% người Canada từ 25 – 64 tuổi có trình độ học vấn sau trung học. Trong độ tuổi từ 25 – 34, trình độ sau trung học đạt 51%.

Theo một tường thuật của NBC năm 2012, Canada là quốc gia có trình độ học vấn cao nhất trên thế giới. Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) chỉ ra rằng, sinh viên Canada có trình độ tốt hơn mức trung bình của OECD, đặc biệt là trong toán học, khoa học và đọc.

9.VĂN HÓA CANADA

Canada là một quốc gia đa văn hóa. Văn hóa Canada kết hợp giữa văn hóa người thổ dân bản địa và văn hóa Châu Âu. Từ đầu thế kỷ 18 lá phong được coi là biểu tượng của Canada – tượng trưng cho sức mạnh, văn hóa và lịch sử lâu đời của quốc gia này. Ngoài ra, các biểu tượng nổi tiếng trên toàn thế giới của quốc gia này có thể kể đến là hải ly, ngỗng, vương miện, cột gỗ…

Hai ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất ở Canada là tiếng Anh và tiếng Pháp. Gần 60% người dân của quốc gia này sử dụng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Tiếng Pháp được sử dụng bởi 22% dân số.

10.ẨM THỰC

Canada khá nổi tiếng với nền ẩm thực đa dạng và độc đáo. Là đất nước của “lá phong đỏ”, nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế, nên có những món ăn đặc trưng liên quan đến lá phong.

Nếu đã đến Canada, bạn không thể không một lần nếm thử những món đặc sản như: Siro cây lá phong, rượu vang đá, tôm hùm đút lò của Prince Edvvard Island, món chân hải cẩu của Newfoundland, bánh đường cây phong của Quebec, phô mai và bagel kiểu truyền thống của Oka, thịt bò Alberta, bánh Nanaimo và cá hồi nướng trên tấm gỗ tuyết tùng của British Columbia,…

11.NGHỆ THUẬT

Nghệ thuật của Canada bao gồm nghệ thuật thị giác (tranh ảnh, hội họa, in ấn), văn học, âm nhạc, truyền hình và phim ảnh. Canada được biết đến như một địa điểm quay phim và các hãng sản xuất điện ảnh nổi tiếng tại Bắc Mỹ.

Nghệ thuật Canada được pha trộn bởi nghệ thuật Châu Âu và nét văn hóa thổ dân lục địa Bắc Mỹ.

12.TRUYỀN THÔNG

Canada có lĩnh vực truyền thông phát triển, nhưng sản phẩm thường bị lu mờ với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên việc quảng bá truyền thông được phát triển mạnh hơn nữa từ khi Chính phủ thông qua Chính sách đa văn hóa trên toàn quốc.

Truyền thông Canada bao gồm: Truyền hình, phát thanh, tạp chí, phim ảnh.

Truyền thông Canada là sự tổng hợp của nhiều ngành như quản lý, marketing, kinh doanh, báo chí,… Các mảng trong truyền thông doanh nghiệp rất đa dạng và bao quát. Nó bao gồm từ PR đến quan hệ truyền thông, kể cả quản lý thương hiệu đến quản lý khủng hoảng,…  Ngành truyền thông Canada bao gồm các ngành học như: Truyền thông quốc tế, Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế, Văn hóa truyền thông, Công nghệ kỹ thuật điện tử – truyền thông, Truyền thông đa phương tiện,…

Truyền thông đang trở thành một ngành có nhu cầu cao, và du học Canada chuyên ngành này đang thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh, sinh viên. Các khóa học truyền thông sẽ mang lại nhiều kiến thức về truyền thông đa phương tiện cũng như kiến thức về web, quản lý mạng xã hội, quảng cáo, quan hệ công chúng và cả Marketing.

Ngành truyền thông ở Canada có sự phát triển vượt bậc và nguồn thu mà hàng năm Chính phủ Canada  thu lợi nhận từ truyên thông là vô cùng lớn.

Du học ngành truyền thông Canada bạn sẽ được phát triển các kỹ năng trong truyền thông doanh nghiệp, quảng cáo, viết, biên tập chuyên nghiệp, làm copywriter và các lĩnh vực khác về quan hệ công chúng. Với chương trình học đa dạng, tạo điều kiện cho bạn khám phá nền công nghiệp truyền thông trong nước và quốc tế, du học sinh sẽ trở nên tự tin hơn trong việc quản lý và phát triển chiến lược truyển thông đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng và yêu cầu doanh nghiệp.

13.VĂN HÓA XÃ HỘI

Canada thừa nhận kết hôn đồng tính trên toàn lãnh thổ kể từ những năm 2015. Đây là một quốc gia rất thân thiện với cộng đồng LGBT.

Canada có rất nhiều chính sách xã hội nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân như: chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chính sách thuế để phân loại giàu nghèo, cấm án tử hình, nỗ lực mạnh mẽ để hạn chế nghèo đói, kiểm soát chặt chẽ vũ khí…

Đất nước Canada được xem là quốc gia tiến bộ và đa dạng nền văn hóa. Nền văn hóa của Canada bắt nguồn từ nhiều quốc gia, dân tộc và các chính sách thúc đẩy, phát triển một xã hội công bằng được bảo vệ bởi hiến pháp. Văn hóa của Canada bao gồm các yếu tố nghệ thuật, ẩm thực, văn học, âm nhạc, chính trị và xã hội, tất cả đều mang tính đại diện cho người dân Canada.

14.THỂ THAO

Các môn thể thao được ưa chuộng nhất ở Canada là khúc côn cầu, Lacrosse và bóng rổ. Ngoài ra, các môn thể thao được yêu thích quanh năm tại Canada là gôn, bóng đá, bóng chày, quần vợt, trượt tuyết, cầu lông, bóng chuyền, đạp xe, bơi lội, bowling, bóng bầu dục, bơi xuồng, cưỡi ngựa, võ thuật…

Canada chia sẻ một số giải đấu chuyên nghiêp với Hoa Kỳ. Ngoài ra, thể thao nghiệp dư cũng rất phát triển.

10 môn thể thao hàng đầu mà người Canada tham gia là gôn, khúc côn cầu trên băng, bơi lội, bóng đá, bóng rổ, bóng chày, bóng chuyền, trượt tuyết (xuống dốc và núi cao), đi xe đạp và quần vợt.

Là một quốc gia có mùa đông lạnh giá, tuy nhiên, Canada đã thành công rực rỡ tại Thế vận hội mùa đông so với Thế vận hội mùa hè. Canada đã tổ chức một số sự kiện thể thao quốc tế nổi tiếng, bao gồm Thế vận hội mùa hè năm 1976, Thế vận hội mùa đông năm 1988, Giải vô địch bóng rổ thế giới năm 1994, FIFA U-20 World Cup 2007, Thế vận hội mùa đông 2010 và FIFA World Cup nữ 2015. Gần đây nhất, Canada đã tổ chức Thế vận hội Liên Mỹ 2015 và Parapan American Games 2015 tại Toronto, trước đây là một trong những sự kiện thể thao lớn nhất do đất nước đăng cai tổ chức. Quốc gia này cũng được lên kế hoạch đồng tổ chức FIFA World Cup 2026, cùng với Mexico và Hoa Kỳ.

Zalo